Luân hồi là chân lý hiển nhiên, hiện diện và áp đặt lên tất cả muôn loài, vạn vật!
Luân hồi là cái gì? Nghĩa đen, luân là luân chuyển, xoay vần. Hồi là trở về, quay về. Luân cũng có nghĩa là một vòng tròn, một bánh xe.
Luân hồi, tiếng Phạn là Samsàra, là sự xoay chuyển, sự lên xuống, sự tiếp diễn liên tục của những kiếp sống. Sự xoay chuyển liên tục này thường được biểu hiện bằng bánh xe (cakka) và được gọi là bánh xe luân hồi (samsaracakka).
Luân hồi chúng ta đang nói ở đây là chết đi sống lại trong vô số kiếp. Đức Phật dạy rằng tùy vào nghiệp lực ( (là sức mạnh của nghiệp, Nghiệp này do nhân quả tạo nên. Cụ thể: nếu một người có nhiều thiện nghiệp sẽ được hưởng phước, còn có nhiều ác nghiệp thì sẽ chịu khổ đau) của mỗi người mà sau khi chết sẽ được tái sinh ở một trong sáu cõi: Trời, Atula, Người, Súc sanh, Ngạ Quỷ, Địa ngục.
1. Trời
Cõi Trời có 33 tầng và 28 cõi được chia thành 3 giới lần lượt là Dục giới (6 cõi), Sắc giới (18 cõi), Vô Sắc giới (4 cõi). Trời là nơi hạnh phúc, an lạc, là nơi nhận phước quả. Là nơi ở của các vị thần tiên có phép thuật, hình dáng oai nghiêm, nhẹ nhàng, xinh đẹp hơn con người. Cõi Trời là nơi thanh thoát an vui, không có sự lo buồn, tức giận, đau khổ hay chán chường. Các chư thiên này, đời trước là những con người sống thiện lương, làm nhiều điều tốt lành, tạo nhiều phước đức, tu niệm chân chánh, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh về cảnh giới này. Họ sống sung sướng và chìm đắm trong cuộc sống an lạc không lo lắng gì cho ngày mai, bởi họ có quyền năng biến hóa, muốn gì được nấy. Cho nên các vị tiên này có khi quên hẳn việc tu hành phát triển tâm từ bi và trí tuệ của đời trước.

Chúng tiên không phải sống mãi ở cõi Trời, mà sau khi hưởng hết phước, chư thiên cũng không tránh khỏi luân hồi, nghĩa là phải chết, tuỳ theo nghiệp lực lúc sống lành hay dữ, mà có thể được tái sanh trở lại làm người, hay sinh lên cõi Trời cao hơn, hoặc bị đoạ xuống các cõi dưới.
2. Atula
Hình dáng không oai nghiêm bằng cõi trời nhưng cũng có phép thuật. A-tu-la là những sinh vật mạnh mẽ, là những người khi còn sống có nhiều tài năng nhưng tham danh lợi, tánh tình tự đắc, huênh hoang. Có khi là người tu hành tuổi hạ cao nhưng vẫn còn tham sân si, thích tán tụng công đức, đi đâu có tàng, có lọng che, có người hầu kẻ hạ, thích được tôn xưng bái lạy. Có thể họ là người có công với đạo pháp, xây nhiều tự viện cho mọi người tu tập, nhưng vẫn còn tham luyến sân si, được khen thì vui, bị chê thì giận v.v… Phúc đức của họ kém hơn chúng tiên ở cõi Trời, nên khi qua đời sanh vào cõi A-tu-la. Nếu sanh vào cõi A-Tu-La mà biết làm thiện, ít giận hờn, không đánh phá ai, sau khi chết sẽ sanh làm Người trở lại. Nếu chịu tu tập dẹp bỏ tánh hung dữ, không gây chuyện, không tranh giành, không đánh đập, không sân hận làm khổ chúng sanh xung quanh, thì sau khi chết sẽ sanh vào cõi Trời. Nếu sanh ở cõi A-Tu-La mà còn giận dữ, bỏn xẻn, ích kỷ thì khi bỏ thân A-Tu-La sẽ sanh vào Ngạ quỷ.
Trong cuộc sống, những người có chút phước đức mà không kiềm chế được tính nóng giận, tự cao tự đại thì rất dễ tái sinh vào cõi Atula. Tuy những chúng sinh ở cõi Atula không phải là tam đồ ác đạo, thọ khổ triền miên như những chúng sinh ở cõi Súc Sinh, Ngạ Quỷ hay Địa Ngục nhưng vẫn phải chịu nhiều phiền não do tranh chấp, ít có cơ hội tu tập (ngoại trừ loại Atula Noãn Sinh – Atula có thần thông, ăn ở trong hư không, biết giữ gì Chánh pháp).
Atula do gây nhân hạ phẩm thập thiện (dùng để chỉ những người phát tâm làm việc thiện rồi lại hối hận, thập thiện là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không ỷ ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không tham lam, không sân giận, không si mê) nên được sinh vào cõi giới này. Đặc tính của Atula là hay nóng giận, hung bạo, hiếu thắng, thích tranh cãi, đấu đá lẫn nhau, có phước nhưng không có quyền năng.
Atula là loài thần có phước đức hơn loài người nhưng kém phước đức hơn chư Thiên. Atula cũng có vị tốt, xấu, hiền, dữ khác nhau. Nam Atula có tướng mạo vô cùng xấu xí, thường xuyên gây chiến với kẻ khác, nữ Atula có tướng mạo xinh đẹp, thích đấu tranh bằng tình cảm, hay đố kỵ, ghen tuông.
Atula không có chủng loại và trụ xứ nhất định. Atula được chia làm 4 bậc: loài ở cõi Trời thì giống Trời, loài ở cõi Người thì giống người, loài ở cõi Súc Sinh thì giống súc sinh, loài ở Ngạ quỷ thì giống Quỷ. Ở cõi Người, Atula là hiện thân của những kẻ hay trộm cắp, thích đánh đập người khác.

Theo kinh Nghiệp Báo Sai Biệt nói, chúng sinh có đủ 10 nghiệp sau đây sẽ tái sinh vào cõi Atula:
- Thân làm các việc ác nhỏ
- Miệng nói các việc ác nhỏ
- Ý khởi các việc ác nhỏ
- Nổi tính kiêu mạn
- Nổi tính ngã mạn
- Nổi tính tăng thượng mạn
- Nổi lên mạn lớn
- Nổi lên mạn tà
- Nổi lên mạn quá mạn
- Đem các thiện căn hồi hướng về đường Atula
3. Người
Là nơi dành cho những người tạo Nghiệp lành trước khi chết, hoặc có lành có ác. Tuỳ theo Nghiệp mà người đó sanh ra đời đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, hạnh phúc hay khổ đau. Cõi Người chia thành nhiều quốc gia và nhiều dân tộc khác nhau, vì thế mà khi tái sanh có người được sanh vào nước văn minh hưởng phước, có người tái sinh vào nước man di sống nghèo hèn khắc khổ.

Cõi Người là nơi chúng sinh có cơ hội tốt nhất trong việc tu tập, bởi vì ở cõi này chúng ta sẽ có động lực tu tập để tiến lên các cõi giới cao hơn, cũng như thấy được sự đau khổ ở các cõi dưới mà tránh.
Đức Phật nói rằng: “cơ hội để tái sinh vào cõi Người là rất khó, giống như một con rùa mù trăm năm mới nổi lên một lần lại chui đầu đúng vào một cái cây có lỗ thủng nổi lênh đênh trên biển“.
Chính vì vậy, khi vẫn còn ở cõi Người chúng ta hãy cố gắng thay đổi tâm thức, làm thiện tích đức, tránh xa điều ác. Còn nếu cứ mãi u mê trong những thứ hư danh, vọng tưởng thì rất dễ bị đoạ vào ba đường dữ để phải gánh chịu khổ đau.
4. Súc sanh
Đây là cõi giới của những loài động vật, gồm cả những con vật sống dưới nước, dưới mặt đất, trên mặt đất. Loài động vật có hai chân, bốn chân, nhiều chân hay có thân dài không chân, loài có lông có sừng, loài có cánh bay trên không trung hay loài côn trùng hoặc vi sinh vật nhỏ li ti mà mắt thường không trông thấy được… Súc sinh chỉ biết sống theo bản năng chớ không có lý trí. Những kẻ lúc còn sống ở thế gian chuyên chạy theo vật chất, ham muốn nhục dục thể xác, chuyên mua bán cần sa, bạch phiến, hút xách khiến đầu óc lúc nào cũng mê muội. Những người khi sống không từ những hành động tàn ác giết vật hại người. Khi chết bị đọa vào cõi súc sinh.
Ở cõi súc sinh này, khi cái chết đến, thường kết thúc bi thảm do loài này ăn thịt loài kia một cách dã man. Súc sanh sau khi chết tuỳ theo nghiệp lực đã tạo trước đó tốt hay xấu, hoặc trả hết Nghiệp đời trước, mà được chuyển kiếp, hoặc bị đoạ trở lại cõi này.

Với đặc tính chung là có nhận thức và hiểu biết thấp, súc sanh thường sống theo bản năng là chính. Tuy vậy, Đức Phật đã dạy “tất cả chúng sinh đều có Phật tính và do đó đều có khả năng giải thoát như nhau“, vậy nên chúng sinh ở cõi Súc Sanh cũng có cơ hội để giải thoát dù là rất thấp.
Nhân duyên là duyên nợ, ân oán đã gây tạo nên từ nhiều đời kiếp trước, những người mà ta gặp ở kiếp này thường đã gặp ở kiếp trước. Do đó, nếu chiêm nghiệm lại thì cũng có thể hiểu rằng, những loài động vật mà chúng ta đang nuôi trong kiếp này có khi lại là người thân của ta trong những kiếp trước. Đây chính là lý do để chúng ta ngừng ăn thịt, ngừng sát sinh.
5. Ngạ quỷ
Những người tái sinh vào cõi Ngạ Quỷ là do ở kiếp trước thường xuyên gây ra nghiệp ác, tính tình bỏn xẻn, hay đánh đập, bỏ đói cha mẹ – vợ con – gia quyến, ăn nói xấc xược, chế nhạo, gạt gẫm chư Tăng, tham lam vô độ, gian manh xảo quyệt, hối lộ tham nhũng, vơ vét của công, giết người cướp của, lấy của từ thiện làm của mình, thấy người đói khát lòng không mảy may thương xót còn đánh đập xua đuổi.. Chúng Ngạ quỷ thường có hình dáng xấu xí, bụng thì lớn, mà miệng và cổ thì nhỏ đến nổi không nuốt được đồ ăn thức uống nên đói khát triền miên, lạnh lẽo, khổ đau không kể xiết.
Ngạ Quỷ cũng có loại xấu, loại tốt và có cả những loại Quỷ thần, Quỷ vương với ngoại hình to lớn, xinh đẹp như các chư Thiên. Tuổi thọ của chúng sinh ở cõi Ngạ Quỷ không nhất định, có loại sống được vài trăm tuổi, có loại sống đến ngàn tuổi. Đặc tính chung của Ngạ Quỷ là tính tình nổi nóng, sân hận, không phân biệt tốt xấu, thích gây chuyện và tạo rắc rối cho người khác.

Ngạ Quỷ chỉ có linh hồn, không còn “thân” như con người; lại bị đói khát cho nên rất đáng thương và tội nghiệp, chúng ta nên khai thị và giúp đỡ để họ tiến tu và giải thoát, tái sinh vào cảnh giới tốt lành
6. Địa ngục
Là nơi dành cho những con người đại gian đại ác, vô lương tâm, không tin nhân quả, chuyên khủng bố, giết người không gớm tay, gây tai hoạ đau thương nghiệp ngã cho vô số đồng loại và giết hại cả những loài động vật vô tội. Khi chết bị đày xuống địa ngục để trải nghiệm sự đau khổ mà họ đã gây ra cho người khác. Kinh Địa Tạng mô tả địa ngục phân chia thành nhiều tầng khác nhau, chúng sanh ở địa ngục tùy vào mức độ và hành vi của họ gây ra mà bị đọa vào tầng thích hợp. Chúng sanh sống ở địa ngục, sau khi chịu trừng phạt vì những tội lỗi đã gây ra, có thể tái sanh vào cảnh giới cao hơn như súc sanh hay cõi người để tiếp tục trả Nghiệp.

Địa Ngục là nơi để chúng sinh nhận những nghiệp báo mà họ đã gieo, từ đó giúp họ thức tỉnh, hành thiện tránh xa điều ác. Sau khi thọ khổ xong ở Địa Ngục, chúng sinh có thể được tái sinh ở các cõi giới cao hơn hoặc tiếp tục chịu khổ đau luân hồi.
Sáu cõi luân hồi ngay trong đời hiện tại ở cõi ta bà:
- Những bậc chân tu sống thầm lặng bình thản, tâm hồn luôn tha thứ và thương yêu mọi loài chúng sanh, họ sống vui vẻ thoải mái, không buồn lo, dính mắc như người đời, cũng xem như họ là những bậc tiên nhân đang sống ở cõi Trời vậy. Có những người tuy đang sống ngoài đời, nhưng tu thập thiện, họ sống có đạo đức, không làm khổ mình, khổ người, không làm điều ác, toàn làm điều thiện, tâm không tham lam, thường hay tu hạnh bố thí, không bị dục vọng lôi cuốn, nên tâm trạng họ lúc nào cũng cảm thấy bình yên vui vẻ. Những người này tuy sống ở cõi Người mà không khác gì đang ở cõi Trời.
- Những Phật tử giữ giới luật, hoặc những người chưa quy y Tam Bảo nhưng sống hiền lành đạo đức, không sát sanh giết người giết vật, không tham lam trộm cướp, không để dục vọng tà dâm lôi cuốn, không nói lời hung dữ gây đau khổ cho người, không cờ bạc rượu chè đánh mất lương tri. Nhờ những đức lành này nên được sanh vào cõi Người. Cõi Người thì có khổ có vui. Muốn thoát khổ thì chọn cuộc sống tu hành loại bỏ tham ái dục vọng thì tâm sẽ được thảnh thơi nhẹ nhàng.
- A-Tu-La ám chỉ những người hay sân hận, giận dữ, không biết nhường nhịn, chỉ biết la hét, đánh đập đối phương. Những người này lúc nào cũng tự cho mình là đúng. Ngay cả khi họ có lòng tốt làm việc thiện, họ cũng dễ dàng nổi cáu, có cử chỉ hành động lời nói làm tổn thương người được họ giúp đỡ. Họ muốn những người này phải nhớ ơn họ và làm những gì theo ý họ muốn. Tóm lại A-Tu-La là nhưng người thường sống trong tâm trạng sân hận, ưa tranh cải, thích đánh nhau với người khác.
- Những người bất hạnh, nghèo hèn, khổ sở luôn thiếu ăn thiếu mặc. Mùa đông phải chịu lạnh. Mùa hè phải chịu nóng. Mùa mưa phải chịu ướt. Cuộc sống thiếu thốn đủ mọi mặt. Người luôn sống trong tâm trạng thèm thuồng đói khát này cũng giống như tâm trạng của loài ngạ quỷ.
- Người bị xếp vào hạng súc sanh là vì tuy thân họ mang hình người mà bản chất sống của họ giống như loài thú. Luôn sống theo đòi hỏi của bản năng, thoả mãn dục vọng. Sống không hề có lý trí cũng như đạo đức.
- Người sống trong địa ngục là người bị đọa đày đau đớn không lúc nào ngừng, có thể so sánh như những người sống trên đời mang thân bệnh hoạn đau đớn triền miên vì thế lúc nào tâm họ cũng bị dày vò khốn khổ. Cuộc sống của những người này giống như chúng sanh đang bị hành hạ ở Địa ngục vậy.
Vì sao Cõi người là cõi để tu hành tốt nhất?
Ở Cõi Người không được hoàn toàn sung sướng như ở cõi Trời. Nhưng cõi người là cõi dễ tu và có đầy đủ điều kiện nhất để tu. Ở cõi Người có vui có khổ. Có người nghèo đói khổ sở thì mình mới tu được hạnh Bố Thí, Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, xả). Con người có ác độc mình mới tu được hạnh Nhẫn Nhục… Còn những cõi khác thì thật khó tu. Thí dụ như cõi Trời, tất cả chúng tiên không ai khổ, người nào cũng sống hưởng thụ vui vẻ không nghĩ đến tương lai, nhưng đến khi hết phước lại bị đoạ xuống những cảnh giới khác. Chúng thần ở cõi A-Tu-La thì sân si làm mờ lý trí. Cõi súc sanh thì sống với bản năng, làm sao mở mang trí tuệ. Cõi Ngạ quỷ cả đời đói khát chỉ biết nghĩ đến miếng ăn không nghĩ đến cái gì khác. Chúng sanh ở Địa ngục bị hành hình đau đớn không lúc nào yên, làm gì có thời giờ để nghĩ đến việc tu hành?
Riêng ở cõi Người, nếu may mắn có tấm thân khoẻ mạnh đầy đủ các căn, lại có bộ não nguyên vẹn. Đây là một phước báu lớn mà con người đã dày công vun bồi từ bao nhiêu đời mới có được. Chúng ta đừng để dục vọng lôi kéo sa vào đời sống tội lỗi tạo nghiệp xấu, để ngay khi còn sống, cũng như sau khi chết bị đoạ vào cõi tối tăm nhiều đau khổ.
Có được thân người là một phước báo, thì hãy sống một đời đáng sống, nghĩa là sống đạo đức, sống thương yêu, sống tốt với tâm thiện lành, sống có lợi cho người và lợi cho mình trong hiện tại và tạo Nhân lành cho đời sống tương lai, hoặc sâu sắc hơn là sống và tu tập theo lời Phật dạy để sớm giác ngộ thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Thoát khỏi Luân Hồi bằng cách nào?
Trong sáu cõi luân hồi, với con mắt phàm phu, chúng ta chỉ thấy được hai cõi là Cõi Người và Cõi Súc Sinh. Còn bốn cõi kia thì chúng ta chỉ biết được theo trong kinh sách kể lại. Nhưng không thấy chưa hẳn là không có. Chúng ta đều biết có rất nhiều thứ chúng ta không nhìn thấy nhưng chúng vẫn tồn tại. Ví dụ: hằng ngày chúng ta hít vào khí oxy và thở ra khí cacbonic mặc dù chúng ta không nhìn thấy chúng; hay chúng ta có thể sử dụng điện thoại là nhờ vào sóng wifi nhưng chúng ta đâu có nhìn thấy wifi, mà hễ không có wifi là chúng ta không kết nối được internet… Chúng ta biết được Nhân quả, Luân Hồi là nhờ có Đức Phật là bậc toàn giác nói cho chúng ta biết, cái thấy siêu việt tuyệt đối vượt không gian và thời gian.
Và quan trọng hơn hết là dù cho bạn thấy hay không thấy thì Luân hồi vẫn luôn tồn tại. Rồi bạn tin hay không tin thì Luân hồi vẫn xảy ra. Chứ không phải đợi bạn tin thì mới có, bạn không tin thì không có. Vấn đề là nếu bạn tin thì bạn thoát khỏi luân hồi, bạn không tin thì bạn ngụp lặn mãi trong trong biển luân hồi vô thủy vô chung (không có bắt đầu, không có kết thúc). Cho dù có lên cõi trời thì đến khi hưởng hết phước vẫn phải đọa vào các cõi khác, khổ đau, mãi trong luân hồi triền miên không dứt.

Trong Kinh, Phật dạy rằng: Nếu chúng sanh muốn thoát khỏi khổ đau luân hồi sanh tử, thì phải tu hành để thành Phật. Chỉ có thành Phật thì mới giải thoát hết mọi khổ đau và không còn bị luân hồi nữa. Có nhiều pháp môn để tu, như Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông… Thì cách tu niệm Phật (Tịnh độ) là cách dễ thực hành và thành tựu nhất. Đó là phát tâm tu niệm tự tánh A DI ĐÀ của mình và nguyện vãng sanh về cõi CỰC LẠC của PHẬT A DI ĐÀ. Vì ở cõi đó không có khổ đau, sanh, già, bệnh, chết mà ở đó chỉ có sống mãi không chết, trẻ mãi không già, giàu hoài không nghèo và hạnh phúc vĩnh cửu.
Vãng sanh về CỰC LẠC nghĩa là sau khi chết, ta sẽ được sanh về thế giới của Phật A DI ĐÀ. Về đó rồi, chúng ta sẽ thoát khỏi mọi khổ đau, không còn bị luân hồi sinh tử nữa và chúng ta sẽ được thành Phật.
Hôm nay, quý bạn gặp được Pháp niệm Phật này là nhờ vào phước đức sâu dày của quý bạn. Vậy xin quý bạn hãy mau phát tâm niệm Phật. Vì khi niệm Phật quý bạn sẽ hưởng được nhiều lợi lạc ở trong hiện đời và sau khi chết quý bạn sẽ được vãng sanh về cõi Phật để tu thành Phật. Nếu quý bạn chưa tin vào sự nhiệm mầu của việc niệm Phật thì hãy THỬ niệm Phật, chúng tôi chắn chắn bạn sẽ không bị mất gì cả mà ngược lại còn đạt được nhiều điều diệu kỳ trong cuộc sống. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Biên soạn & Tổng hợp từ nhiều nguồn